Cùng 84RACE cảnh giác với thử thách lớn nhất với mọi runner trong mùa hè - SỐC NHIỆT

17 tháng 05, 2019
Trong những ngày mà màu nhiệt độ 3 miền ở Việt Nam đều trong trạng thái đỏ rực rỡ như cờ tổ quốc thế này thì điều quan trọng nhất với các runner đó là đảm bảo an toàn cho cơ thể trước trạng thái sốc nhiệt.
Cùng 84RACE cảnh giác với thử thách lớn nhất với mọi runner trong mùa hè - SỐC NHIỆT

Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất.

Chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng quá 40 độ C, đi kèm các rối loạn về tri giác và ý thức. Tiên lượng sẽ xấu hơn khi chậm làm mát và thân nhiệt bị duy trì ở mức nguy hiểm từ 40.5 đến 41 độ C. Do đó, những kiến thức về sốc nhiệt là điều các runner phải trang bị cho bản thân trước khi tham gia chạy trong mỗi mùa hè. 

1. Phân loại sốc nhiệt

Sốc nhiệt chia thành hai loại:

  • Sốc nhiệt không do gắng sức (sốc nhiệt kinh điển): thường xảy ra sau tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt là trong thời gian dài, ví dụ hai hoặc ba ngày. Thường gặp nhất ở người cao tuổi, trẻ em, và những người có bệnh lý mãn tính.
  • Sốc nhiệt do gắng sức (Exertional Heat Stroke, viết tắt EHS): gây ra bởi tăng nhiệt độ cơ thể liên quan tới hoạt động thể lực với cường độ cao trong thời tiết nóng. Bất cứ ai luyện tập hoặc làm việc trong thời tiết nóng đều có thể bị sốc nhiệt do gắng sức, nhưng thường gặp nhất là vận động viên trẻ, quân nhân, công nhân lao động trong nhiệt độ cao.

run, runner, running, chạy, chạy bộ, marathon, mùa hè, sốc nhiệt, nhiệt độ, nhiệt độ cao, phòng tránh, vận động viên, thể thao, nắng, nóng, 84RACE, thử thách, thử thách chạy bộ

Vận động cường độ cao trong thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sốc nhiệt EHS  

2. Triệu chứng

- Nhiệt độ trung tâm tăng cao

Lưu ý rằng không có thiết bị đo nhiệt ngoài cơ thể nào hiện nay được chứng minh có thể đo chính xác nhiệt độ trung tâm của vận động viên vận động trong trời nóng và đang bị tăng thân nhiệt. Loại nhiệt kế chính xác nhất trong trường hợp này là loại nhiệt kế đo qua đường hậu môn để đo nhiệt độ trực tràng.

- Rối loạn chức năng thần kinh trung ương

Rối loạn chức năng thần kinh trung ương có thể biểu hiện ở nhiều mức độ, bao gồm: mất định hướng, đau đầu, hành vi không thích hợp, kích thích, cảm xúc không ổn định, lẫn lộn, thay đổi nhận thức, hôn mê hoặc co giật...

Tuy nhiên, VĐV bị sốc nhiệt vẫn tỉnh táo không có nghĩa là mọi việc vẫn ổn. Rất nhiều VĐV sắp rơi vào tình trạng EHS ban đầu vẫn có vẻ tỉnh táo, nhưng thực ra lại sắp tiến triển thành bệnh trạng nặng hơn.

- Các tổn thương khác

Các biểu hiện lâm sàng khác rất đa dạng. Đa số VĐV có nhịp tim nhanh và tụt huyết áp. Ngoài ra có thể có nhịp thở nhanh, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, yếu chân tay, vã mồ hôi như tắm, mất nước, khô miệng, khát, chuột rút, mất chức năng của cơ, lảo đảo mất thăng bằng.

3. Xử trí sốc nhiệt do gắng sức

Hai nguyên tắc cơ bản của xử trí sốc nhiệt do gắng sức là:

  • Mức độ nghiêm trọng của sốc nhiệt có thể không rõ ràng tại thời điểm ban đầu
  • Tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong liên quan trực tiếp tới khoảng thời gian nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao.

Vì thế, xử trí sốc nhiệt tốt bao gồm cả xử trí tại hiện trường lẫn điều trị trong bệnh viện, trong đó hạ nhiệt trước, vận chuyển sau là tối quan trọng. 

Đánh giá nhanh tại hiện trường

Biện pháp đầu tiên là đánh giá và kiểm soát đường thở, nhịp thở, tuần hoàn (bắt mạch, đo nhịp tim).

Đánh giá toàn trạng và ý thức của VĐV

Đo các dấu hiệu sinh tồn gồm mạch, huyết áp, và nhiệt độ ở trực tràng. Chỉ có nhiệt độ trực tràng mới phản ánh trung thành nhiệt độ trung tâm cơ thể.

Chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể cao ≥ 40°C trong hoàn cảnh có rối loạn ý thức, tri giác. Lúc này, người bệnh cần phải được hạ nhiệt gấp.

Nếu nhân viên y tế có mặt tại chỗ, có sẵn các thiết bị cần thiết để hạ nhiệt tích cực (như bể nước đá, khăn lạnh, xô nước lạnh) và không cần phải điều trị cấp cứu nào khác ngoài việc hạ thân nhiệt gấp, tốt nhất là nên theo nguyên tắc “hạ nhiệt trước, vận chuyển sau”. Khi đã hạ nhiệt đến nhiệt độ hợp lý (38,9°C), bệnh nhân được chuyển gấp tới cơ sở cấp cứu gần nhất.

Nếu không đủ điều kiện hạ nhiệt tại chỗ, đặc biệt là nếu bệnh nhân có các vấn đề khác (như co giật) yêu cầu can thiệp y tế, bệnh nhân cần được chuyển ngay lập tức tới cơ sở cấp cứu gần nhất. Việc hạ nhiệt có thể được thực hiện trong khi vận chuyển với cách hạ nhiệt hiệu quả nhất có thể.

run, runner, running, chạy, chạy bộ, marathon, mùa hè, sốc nhiệt, nhiệt độ, nhiệt độ cao, phòng tránh, vận động viên, thể thao, nắng, nóng, 84RACE, thử thách, thử thách chạy bộ

Ngâm người bị sốc nhiệt trong nước đá là cách hạ nhiệt hiệu quả nhất 

Tiến hành hạ nhiệt gấp để cải thiện thương tật và tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt

Cần tiến hành hạ nhiệt ngay khi có thể và trong vòng 30 phút từ khi có biểu hiện triệu chứng. Các bước chính bao gồm:

  • Tháo bỏ tất cả các thiết bị trên người VĐV, cởi hoặc nới lỏng quần áo (để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn)
  • Đưa VĐV tới chỗ có bóng râm. Có thể đưa vào phòng điều hoà nhiệt độ. 
  • Ngâm VĐV trong bể nước đá là biện pháp hạ nhiệt nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nếu có sẵn bể nước đá, ngâm vận động viên trong bồn nước đá (càng lạnh càng tốt); nhiệt độ nước cần từ 2°C đến 15°C. Phủ cơ thể bằng nước đá càng kín càng tốt. Nếu việc phủ kín toàn thân không thể thực hiện được, thì ưu tiên phủ phần thân người càng nhiều càng tốt (trừ đầu và chân tay).
  • Nếu có đá nhưng lại không có bể, thì đặt bệnh nhân vào một miếng vải lớn kiểu khăn trải giường, phủ lên người bệnh nhân bằng đá lạnh rồi quấn khăn lại. Thay đá mới ngay khi đá tan bớt. Nếu không sẵn nước đá thì dùng nước thường cũng được, giữ nhiệt độ nước lạnh hợp lý. 
  • Áp túi đựng nước đá vào cổ, nách, bẹn (các vùng có mạch máu lớn đi qua), đồng thời phun nước ấm lên người bệnh nhân và sử dụng quạt để thổi gió qua da ẩm (hạ nhiệt bằng bay hơi). Cần phun nước khi cần và quạt liên tục, cũng như tiến hành khuấy nước mạnh trong quá trình làm mát.

LƯU Ý:

Luôn chú ý giữ phần đầu và cổ vận động viên trên mặt nước. Một hoặc hai người hỗ trợ có thể thực hiện việc này bằng cách luồn khăn hoặc vải dài dưới nách và quanh trước ngực người bệnh để giữ.

Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn khoảng 10 phút một lần và kiểm tra tình trạng tri giác liên tục trong quá trình làm mát. Nên gọi thêm người hỗ trợ sẵn sàng ở gần đó để phòng trường hợp người bệnh kháng cự hoặc cần được nâng lên hay xoay trở nếu có nôn trớ.

Trong quá trình điều trị bằng nước đá, liên tục theo dõi nhiệt độ bên trong cơ thể của người bệnh bằng nhiệt kế hậu môn (nhiệt kế thân mềm, nằm thường xuyên tại vị trí đo trong suốt quá trình làm mát cơ thể).

Ngừng hạ nhiệt khi nhiệt độ xuống còn 38.3°C đến 38.9°C. Nếu không thể đo được nhiệt độ qua hậu môn hoặc phép đo bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ của nước lạnh đang ngâm, thì thực hiện làm mát trong khoảng từ 10 đến 15 phút, sau đó vận chuyển tới nơi cấp cứu. 

Tuyệt đối không nên sử dụng các phương pháp đo nhiệt độ cơ thể khác (như đo nhiệt độ từ miệng, ống tai, màng nhĩ, nách, thái dương, trán), ngay cả khi không có nhiệt kế trực tràng. Các phương pháp đo nhiệt khác không phản ánh trung thành nhiệt độ trung tâm cơ thể của VĐV bị sốc nhiệt và có thể gây sai lạc.

Trong trường hợp bạn không có nhiệt kế trực tràng khi điều trị EHS thì nên dựa vào 1 trong 2 điều kiện sau: hạ nhiệt cho đến khi bệnh nhân bắt đầu run hoặc sau khi đã ngâm trong nước đá từ 15 đến 20 phút.

Chúc các runner 84RACE có những buổi chạy an toàn trong mùa hè này! 

Theo: Hội những người thích chạy đường dài, Chạy 365


84RACE trên
Trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng
Mở